Kinh tế - xã hội Phước_Long,_Giồng_Trôm

Kinh tế

Phước Long và các xã lân cận tạo thành tiểu vùng 4 của huyện, Phước Long là trung tâm của tiểu vùng.

Kinh tế xã Phước Long từng bước được phát triển, đời sống nhân dân ổn định hơn. Trong số 1.213 ha đất sản xuất nông nghiệp có 296,4 ha sản xuất đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha, chiếm 24,44% so với tổng diện tích; sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ không ngừng được phát triển với 17 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 338 điểm kinh doanh dịch vụ góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong xã, đã đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 17,5 triệu đồng/người/năm; hàng năm đều kéo giảm được hộ nghèo từ 1 đến 2%. Xã có 2.468 hộ có 479 hộ giàu, 727 hộ khá, 1.554 nhà kiên cố và bán kiên cố, không còn nhà tạm bợ, dột nát. Từ phát triển kinh tế hộ gia đình khá nhân dân cùng nhau đóng góp xây giao thông nông thôn, trong năm 2012 đã bê tông hóa thêm 6.046m đường, nâng tổng số đường nhựa hóa, bê tông hóa của xã, ấp, tổ nhân dân tự quản đến nay 31 km đường và 167 cây cầu bê tông cốt thép với tổng kinh phí xây dựng cầu đường là 11 tỷ 175 triệu đồng; hộ sử dụng điện đạt 99,58%, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.[2]

Xã hội

Giáo dục

Công tác giáo dục có nhiều chuyển biến, toàn xã có 5 trường học, trong đó:

  • Trường Tiểu học Phước Long 1 được công nhận đạt chuẩn quốc gia[2]
  • Trường THPT Nguyễn Ngọc Thăng (được đổi tên từ trường THPT Phước Long cũ) đang phấn đấu cùng với các trường trong huyện và tỉnh.

Y tế

Trạm y tế của xã được nâng lên thành Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Long trung tâm tiểu vùng 4 của huyện.[2]

Bưu điện

Bưu điện văn hóa xã đưa vào hoạt động trong nhiều năm, xã có Đài truyền thanh và 8 trạm truyền thanh phục vụ đều khắp ở 9/9 ấp.[2]